Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Nằm nghỉ tại chỗ nhiều ngày sau chuyển phôi có ích lợi không?

Nằm nghỉ tại chỗ nhiều ngày sau chuyển phôi có ích lợi không?


Chuyển phôi là một giai đoạn quan trọng trong qui trình làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khoảng 90% các bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm đến được giai đoạn chuyển phôi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các trường hợp có phôi làm tổ vào buồng tử cung và có thai. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng trên, đến nay, vẫn chưa được hiểu rõ. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến qui trình chuyển phôi như: tư thế bệnh nhân, lượng môi trường chuyển cùng với phôi vào buồng tử cung, số lượng phôi chuyển, thuốc hỗ trợ giai đoạn hoàng thể, loại catheter sử dụng và vị trí của catheter trong buồng tử cung, thời điểm chuyển phôi và vấn đề nằm nghỉ sau chuyển phôi. Trong bài này chúng tôi xin đề cập đến vấn đề thời gian nằm nghỉ sau chuyển phôi.

Thụ tinh trong ống nghiệm trên người đã được tiến hành và thành công từ hơn 20 năm nay. Từ đó đến nay, nhiều công đoạn trong qui trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, trừ thời gian nằm nghỉ sau chuyển phôi, đã được cải tiến nhằm ngày càng nâng cao tỉ lệ thành công. Trong các phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm cũ, mặc dù chưa có một chứng cứ khoa học nào, hầu hết các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm thường khuyên bệnh nhân nằm nghỉ sau chuyển phôi từ 15 phút đến 24 giờ. Bệnh nhân thường cho rằng việc nằm bất động tại chỗ sau chuyển phôi sẽ tránh được sự trào ngược phôi ra ngoài và tăng khả năng làm tổ của phôi. Tuy nhiên, với một kỹ thuật chuyển phôi tốt, thể tích môi trường bơm kèm với phôi vào buồng tử cung rất ít, việc phôi trào ngược ra ngoài hầu như không xảy ra. Quá trình làm tổ của phôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là chất lượng phôi chuyển vào buồng tử cung và sự chấp nhận của nội mạc tử cung. Quá trình này thường xảy ra 4-7 ngày sau thụ tinh (khoảng 2-5 ngày sau chuyển phôi) mà chuyển phôi thường được tiến hành 2 ngày sau thụ tinh. Do đó, việc nằm tại chỗ ngay sau chuyển phôi quá dài thật sự không có một tác động nào giúp ích cho việc làm tổ của phôi.

Gần đây, các nhà lâm sàng đã tiến hành một số nghiên cứu để tìm chứng cứ khoa học cho việc nằm nghỉ sau chuyển phôi và xem nằm tại chỗ nhiều ngày sau chuyển phôi có ích lợi hay không? Nghiên cứu của Botta và cs. tại Anh tiến hành trên 180 bệnh nhân được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Các bệnh nhân được ngẫu nhiên chia làm 2 nhóm: nhóm I gồm 87 bệnh nhân, nằm tại chỗ sau chuyển phôi 24 giờ; nhóm II gồm 93 bệnh nhân, nằm tại chỗ sau chuyển phôi 20 phút. Tỉ lệ có thai lâm sàng được so sánh giữa 2 nhóm I và II, các tác giả đã nhận thấy tỉ lệ có thai lâm sàng, tỉ lệ sẩy thai và tỉ lệ đa thai giữa 2 nhóm là tương đương và các tác giả cho rằng nằm nghỉ tại chỗ kéo dài sau chuyển phôi không giúp tăng tỉ lệ làm tổ của phôi và có thai. Một báo cáo khác của Sharif và cs. tiến hành trên 1091 bệnh nhân không nằm nghỉ sau chuyển phôi. Tác giả đã nhận thấy tỉ lệ thai lâm sàng không thay đổi so với các bệnh nhân khác có nằm nghỉ sau chuyển phôi. Tác giả Orvieto và cs. cũng nhận thấy tỉ lệ làm tổ của phôi, tỉ lệ có thai ở các bệnh nhân không nằm nghỉ sau chuyển phôi, thậm chí có người lái xe 2-3 giờ sau chuyển phôi, không giảm so với các bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm khác.


Tại bệnh viện PIYAVATE trước đây, khi mới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh nhân thường nằm tại chỗ sau chuyển phôi 24 giờ. Hiện nay, với phác đồ mới, bệnh nhân chỉ nằm nghỉ sau chuyển phôi 4 giờ, sau đó về nhà. Tỉ lệ có thai hiện nay tăng hơn so với trước kia rất nhiều. Như vậy, tỉ lệ làm tổ của phôi và tỉ lệ có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm không phụ thuộc vào thời gian nằm nghỉ sau chuyển phôi. Hiện nay, ở hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới, bệnh nhân thường chỉ nằm nghỉ một thời gian ngắn sau chuyển phôi, sau đó có thể đi lại sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, để một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm thành công, ngoài các yếu tố về kỹ thuật do các bác sĩ đảm nhiệm, yếu tố tinh thần của bệnh nhân cũng hết sức quan trọng. Việc sinh hoạt bình thường, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ sẽ tạo tâm lý thoải mái, giảm stress cho bệnh nhân, điều này có thể ảnh hưởng tốt cho khả năng có thai.

Liên hệ: 
Lê Thuận – Nhân viên tư vấn 24/24
Tel: (84 8)66 812 591        
Mobile: 0938.994.298                
Email : p8@piyavate.com.vn
YM : bvpiyavate2@yahoo.com
Skype: bvpiyavate2

Địa điểm:
 VP tại TP Hồ Chí Minh  : Số 2 Thi Sách,    Phường Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84 8)66 812 591
VP tại Hà Nội :  33A Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm
Tel: 0937.766.056
  Website :  piyavate.com.vn

Cách điều trị vô sinh hiếm muộn







Các phương pháp điều trị hiếm muộn



Tỷ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn, nói chung là vào khoảng 25%. Tuy nhiên, trong TTTON, người ta thường chuyển nhiều phôi (trung bình 3 phôi) vào buồng tử cung sau khi nuôi cấy bên ngoài cơ thể, nên có thể tăng tỷ lệ thành công trên 25% cho mỗi lần điều trị (nếu chuyển 1 phôi, tỉ lệ có thai thường không quá 15% ).

  • Hướng dẫn cách canh thời rụng trứng và giao hợp thời điểm rụng trứng.
  • Kích thích buồng trứng bằng thuốc để làm cho có trứng rụng ( đối với trường hợp không rụng trứng ) hoặc làm tăng số trứng rụng (bình thường mỗi tháng chỉ có một trứng ) để tăng khả năng có thai .
  • Bơm tinh trùng đã lọc, rửa vào buồng tử cung-IUI (hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo ), phương pháp này thường kết hợp với dùng thuốc kích thích buồng trứng  
    Thụ tinh trong ống nghiệm – IVF (khác với thụ tinh nhân tạo ) chủ yếu cho những người bị tắc 2 vòi trứng
  • Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng – ICSI: cho những người tinh trùng quá yếu và quá ít

Khả năng thành công của thụ tinh trong ống nghiệm là bao nhiêu?
Khi nói về khả năng thành công khi điều trị hiếm muộn, bạn cần nhó ằng trong mỗi chu kỳ kinh (khoảng 1 tháng), một cặp vợ chồng hoàn toàn bình thường chỉ có khả năng có thai là 20-25% nếu không ngừa thai. Người ta thấy rằng khoảng 80-90% các cặp vợ chồng bình thường có thai trong vòng một năm mong con (khoảng 12 chu kỳ kinh).

Điều trị hiếm muộn là giúp phục hồi khả năng có thai bình thường của một cặp vợ chồng khi có vấn đề bất thường. Do đó, tỉệ thành công trong mỗi lần điều trị (mỗi chu kỳ) thường không quá 25%. Vì thế thường đa số các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn có thai sau nhiều chu kỳ điều trị (thường là 3)

Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là bao nhiêu ?
Như đã nói trên, tỷ lệ thành công khi điều trị hiếm muộn, nói chung là vào khoảng 25%. Tuy nhiên, trong TTTON, người ta thường chuyển nhiều phôi (trung bình 3 phôi) vào buồng tử cung sau khi nuôi cấybên ngoài cơ thể, nên có thể tăng tỷ lệ thành công lên 25%cho mỗi lần điều trị (nếu chuyển 1 phôi, tỉ lệ có thai thường không quá 15% ).
Tỉ lệ có thai sau TTTON còn thay đổi tuỳ kinh nghiệm của từng trung tâm, tuỳ đối tượng bệnh nhân điều trị. Ví dụ: các trung tâm nhận trẻ tuổi (dưới 35) thường có tỉ lệ thành công cao hơn, các trung tâm nhận bệnh nhân trên 40 tuổi thường có tỉ lệ có thai thấp hơn.
Ở bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, trong năm 2000, tỉ lệ có thai lâm sàng (khi siêu âm thấy túi thai trong tử cung) sau khi chuyển phôi là khoảng 35%. Tỉ lệ này tương đương với mức trung bình của các nước phát triển.

Điều trị hiếm muộn có gì nguy hiểm không?
Nói chung, việc điều trị hiếm muộn là tương đối an toàn, ít biến chứng nặng. Biến chứng thường găp nhất là “quá kích buồng trứng” sau khi dùng thuốc kích thích buồng trứng. Ngoài ra có thể có một số biến chứng khác ít gặp như đa thai, chảy máu (khi chọc hút trứng) hoặc nhiễm trùng ...

Quá kích buồng trứng là gì?
Quá kích buồng trứng là một tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng. Trong quá kích buồng trứng, hai buồng trứng thừng lớn lên nhiều kèm có dịch trong bụng do buồng trứng tiết ra. Khi bị quá kích buồng trứng bạn có thể thấy bụng hơi căng, đau, kèm với buồn nôn, nôn, đôi khi có tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp này đều tự khỏi hoàn toàn sau 2 đến 3 tuần, không cần phải nhập viện. Một số ít trường hợp nặng (khoảng 1%) cần phải nhập viện điều trị.
Đa Thai
Đa thai là trường hợp có nhiều hơn một thai trong tử cung. Đa thai là tình trạng thường gặp khi điều trị hiếm muộn có sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Bình thừng trên 80% người có thai sau điều trị hiếm muộn chỉ có 1 thai, khoảng 20% sẽ có đa thai (chủ yếu là song thai ).
Trong thủ tinh trong ống nghiệm, theo nhiều thống kê trên thế giới, khoảng 25% người có thai sẽ có đa thai, trong đó khoảng 20% song thai và dưới 5% có 3-4 thai.
Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng có làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng không?
Không. Cho đến nay chưa có nghiên cứu dịch tể nào cho thấy thuốc kích thích buồng trứng có liên quan đến ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, người ta thấy rằng phụ nữ bị hiếm muộn, vô sinh có nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn người có thai. Khi có thai, nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ giảm khoảng 25%.
Các em bé sinh ra do điều trị hiếm muộn có hay bị bất thường không?
Không. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy tỉ lệ dị tật ở các em bé sinh ra do điều trị hiếm muộn tương đương với các em bé sinh ra bình thường. Bạn cần biết rằng, bình thường các bé sinh ra có tỉ lệ bị dị tật khoảng 1%.
Toàn bộ qui trình thụ tinh trong ống nghiệm kéo dài bao lâu?
  • Tổng cộng khoảng 6-8 tuần, kể từ khi bắt đầu tiêm thuốc.
  • Đầu tiên, bạn sẽ được tiêm thuốc để ức chế nội tiết trong cơ thể trong vòng 2-3 tuần.
  • Sau khi nội tiết trong cơ thể đã được ức chế (kiểm tra bằng xét nghiệm máu), bạn sẽ bắt đầu tiêm thuốc kích thích buồng trứng. Trung bình bạn cần phải tiêm và theo dõi bằng siêu âm và xết nghiệm máu trong khoảng 12 ngày.
  • 36 giờ (1,5 ngày) sau khi tiêm mũi thuốc cuối (HOG) bạn sẽ được chọc hút trứng. Trứng chọc hút được của người vợ và tinh trùng lấy từ người chồng (ngay sau chọc hút trứng) sẽ được cấy trong phòng nuôi cấy phôi.
  • 2-3 ngày sau, phôi sẽ được chọc lọc để chuyển vào buồng tử cung cho bạn. Sau đó bạn sẽ được cho thêm thuốc và đặt thuốc để giúp cho tử cung dễ đậu thai.
  • 2 tuần sau chuyển phôi, bạn đến bệnh viện để thử thai (xét nghiệm máu). Nếu thử thai dương tính, bạn sẽ trở lại bệnh viện 3 tuần sau đó để siêu âm thai.
Ngoài ra, bạn cần phải hoàn tất hồ sơ và các xét nghiệm cần thiết trước khi bắt đầu quy trình TTTON. Do nhiều xét nghiệm phải phụ thuộc vào ngày kinh của bạn, nên trung bình bạn phải mất 1-2 tháng để hoàn tất hồ sơ.
Nói chung, do tính chất của điều trị hiếm muộn, bạn phải mất nhiều thời gian khi điều trị.
Thai Ngoài Tử Cung
Bình thường, thai đậu bên trong buồng tử cung. Nếu thai đậu ở vị trí bất thường bên ngoài tử cung thì gọi là thai ngoài tử cung. Các thai này sẽ bị sẩy. Khi thai ngoài tử cung sẩy, có thể gây chảy máu trong bụng rất nhiều, nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần phải mổ để lấy đi khối thai sẩy. Khoảng 1% trường hợp mang thai bị thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung thường do vòi trứng bị dính, tổn thương do viêm nhiễm...
Sau điều trị vô sinh, có thể bị thai ngoài tử cung, nếu hiếm muộn do nguyên nhân vòi trứng, tỉ lệ thai ngoài tử cung khi có thai cao hơn bình thường.

Canh giao hợp quanh ngày rụng trứng là như thế nào?
Để tăng khả năng có thai, nhân viên y tế thường khuyên bạn canh giao hợp quanh ngày rụng trứng. Quanh thời điểm rụng trứng là lúc người phụ nữ dễ có thai nhất. Có nhiều cách xác định thời điểm rụng trứng:
  • Nếu bạn có chu kỳ kinh thật đều, 28 ngày 1 lần, thì ngày rụng trứng thướng là ngày thứ 14 kể từ ngày bắt đầu hành kinh.
  • Theo dõi nhiệt độ mỗi sáng từ ngày bắt đầu có kinh. Sau khi rụng trứng nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng khoảng 0,5oC. Thử nước tiểu mỗi 12 giờ khoảng 2 ngày trước thời điểm nghi ngờ rụng trứng. Trứng thường rụng trong vòng một ngày sau khi test dương tính.
  • Nếu có kích thích buồng trứng, rụng trứng thừng xảy ra 36 giờ sau khi tiêm thuốc hCG (Prygnyl, Profasi)
  • Tinh trùng có thể sống được trong cơ thể phụ nữ sau 3-4 ngày, trong khi trứng chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng. Do đó, bạn nên giao hợp cách ngày 1 lần, từ 3-4 ngày trước thời điểm nghi ngờ rụng trứng cho đến 1 đến 2 ngày sau khi xác định có rụng trứng.
Khi nào cần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (thụ tinh nhân tạo) và khi nào phải thụ tinh trong ống nghiệm?
Thụ tinh nhân tạo là chọn lọc các tinh trùng tốt từ người chồng, sau đó bơm thẳng tinh trùng vào tử cung người vợ. Trong trường hợp này người vợ phải có ít nhất 1 trong 2 vòi trứng thông tốt và có trứng rụng. Thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng) thường được áp dụng trong các trường hợp sau:
  • Sau giao hợp tinh trùng không đi qua cổ tử cung được (thường do bất thường ở cổ tử cung).
  • Hiếm muộn không rõ nguyên nhân
  • Hiếm muộn do nam: tinh trùng bị bất thường nhẹ về số lượng và chất lượng, có kháng thẻ kháng tinh trùng
  • Vợ chồng không thể giao hợp bình thường được, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thụ tinh trong ống nghiệm thường được áp dụng cho các trường hợp bị tắc vòi trứng hay vòi trứng thông yếu. Trong trường hợp này, tinh trùng và trứng không thể gặp nhau trong cơ thể người phụ nữ do đường đi để tinh trùng và trứng gặp nhau bị tắc. Người ta phải chọc hút trứng ra bên ngoài, cho tinh trùng và trứng gặp nhau và thụ tinh bên ngoài cơ thể, gọi là thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó người ta bơm phôi có được vào trở lại buồng tử cung. Phôi sẽ bám vào tử cung và phát triển thành thai như bình thường.

Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là gì?
Kỹ thuật này được áp dụng cho những người có tinh trùng ít, yếu nặng. ICSI được thực hiện tương tự như TTTON, chỉ khác là thay vì cho trứng và tinh trùng tự thụ tinh trong ống nghiệm, ta dùng một kim thủy tinh thật nhỏ (đường kính từ 5-6 (m) để tiêm một tinh trùng vào mỗi trứng. Thao tác này rất tinh vi, phải thực hiện dưới kính hiển vi với độ phóng đại 200-300 lần. ICSI hiện nay là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất tại các trung tâm điều trị vô sinh lớn trên thế giới. Kỹ thuật này thành công đoầu tiên tại Bỉ vào năm 1992. năm 1998, bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ đã thực hiện thành công trường hợp ICSI đầu tiên. Hiện nay kỹ thuật này được áp dụng thường qui tại bệnh viện Từ Dũ để điều trị cho các trường hợp hiếm muộn nam do tinh trùng quá ít và yếu.
Tỉ lệ thành công của TTTON?
Tỉ lệ thành công của TTTON thay đổi rất lớn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi người vợ, nguyên nhân vô sinh, các bệnh lý kèm theo, thời gian vô sinh, kỹ thuật thực hiện (TTTON cổ điển, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, TTTON với trứng người cho,…). Tỉ lệ thành công trung bình của TTTON cổ điển khoảng 30%. Càng trẻ tuổi khả năng thành công càng cao, càng lớn tuổi, khả năng có thai càng giảm. Phụ nữ dưới 30 tuổi, khả năng có thai có thể đạt gần 50%, trong khi nếu trên 40 tuổi khả năng thành công sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, dù người vợ đã lớn tuổi (40 – 45 tuổi), nếu được làm xin trứng – TTTON, tỉ lệ có thai có thể đến 55%. Các tỉ lệ thành công trên dựa vào thống kê của  các báo cáo về tỉ lệ thành công của Mỹ và Châu Âu.
Kinh nguyệt không đều có gây hiếm muộn hay không?
Kinh nguyệt không đều có thể do tình trạng rối loạn phóng noãn, và như vậy có thể đưa đến việc chậm có thai lại của chị. Chị nên đến cơ sở chuyên khoa khám để xác định rõ nguyên nhân. Nếu do rối loạn phóng noãn, bác sĩ có thể cho chị dùng các loại thuốc gây phóng noãn để điều chỉnh tình trạng này, giúp chị có thể thụ thai.
Nguyên nhân hiếm muộn thường do vợ hay chồng? Các nguyên nhân thường gặp là gì?
Nguyên nhân vô sinh có thể do cả 2 phía vợ và chồng. Các nguyên nhân do vợ chiếm khoảng 40 - 55%, do chồng khoảng 25 - 40%, do cả vợ và chồng khoảng 10% và không rõ nguyên nhân (cả vợ và chồng đều bình thường nhưng không có thai được) chiếm khoảng 10%.
  • Nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở vợ:
    - Tắc hay tổn thương ống dẫn trứng
    - Rối loạn phóng noãn, trong đó, hội chứng buồng trứng đa nang chiếm đa số
    - Lạc nội mạc tử cung
    - Vô sinh không rõ nguyên nhân
  • Nguyên nhân chính gây hiếm muộn ở chồng:
    - Tinh trùng ít về số lượng
    - Tinh trùng di động yếu, bất thường nhiều về hình dạng
    - Không có tinh trùng có thể do tắc đường dẫn tinh, bất sản ống dẫn tinh bẩm sinh hay không có tinh trùng do không có sinh tinh.
Sử dụng thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này không?
Thuốc tránh thai không làm giảm khả năng thụ thai của người phụ nữ. Tuy nhiên, sau ngưng sử dụng thuốc ngừa thai, có thể mất vài tháng để buồng trứng có hoạt động phóng noãn bình thường trở lại. Nếu thấy mất kinh trên 6 tháng sau ngưng sử dụng thuốc ngừa thai, chị nên đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị.
Nghề nghiệp có gây hiếm muộn không?
Nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đến tình trạng vô sinh ở nam giới. Những người làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, hóa chất, thuốc trừ sâu,… có thể làm giảm chất lượng tinh trùng gây hiếm muộn.
Các lọai thuốc như Clomid, Puregon, Gonal-F, ,… có tác dụng gì? Khi sử dụng có biến chứng gì? Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?
Đây là các thuốc có tác dụng kích thích sự phát triển của các nang noãn buồng trứng. Nói chung, trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cần kích thích buồng trứng để đạt được tỉ lệ có thai cao hơn.
Biến chứng quan trọng nhất khi sử dụng các thuốc kích thích buồng trứng là hội chứng quá kích buồng trứng. Đây là tình trạng đáp ứng quá mức của cơ thể với các thuốc kích thích buồng trứng. Các triệu chứng của hội chứng này xuất phát từ tình trạng tăng tính thấm thành mạch gây tràn dịch đa màng. Triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng là 2 buồng trứng to lên, tràn dịch màng bụng gây căng chướng bụng, đau bụng, nôn ói, có thể kèm khó thở, tiểu ít. Để điều trị hội chứng này, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị, thông thường bệnh nhân sẽ được dặn uống nhiều nước hay được truyền dịch để duy trì thể tích lòng mạch, điều trị triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng sẽ mất đi trong vài ngày đến vài tuần.
Qui trình TTTON như thế nào? Mất thời gian bao lâu? Tỉ lệ thành công là bao nhiêu?
TTTON gồm các bước chính:
(1) Tiêm thuốc kích thích buồng trứng, theo dõi sự phát triển nang noãn bằng siêu âm và xét nghiệm nội tiết
(2) Chọc hút lấy trứng qua ngả âm đạo dưới hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo; cùng ngày lấy trứng, người chồng lấy tinh trùng bằng cách xuất tinh tự nhiên
(3) Cấy trứng với tinh với tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi
(4) Chuyển phôi vào buồng tử cung
(5)Thử thai sau chuyển phôi 2 tuần để biết có thai hay không.
Nếu tính từ khi bắt đầu tiêm thuốc kích thích buồng trứng, qui trình TTTON theo các bước trên diễn ra trong 6 tuần.
Tỉ lệ thành công chung của TTTON là khoảng 30 – 50%, như vậy có nghĩa là thất bại nhiều hơn thành công. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thành công hay thất bại của một chu kỳ điều trị TTTON, thất bại có thể do chất lượng trứng, phôi không tốt, niêm mạc tử cung mỏng, phôi không tiếp tục sống sót và phát triển sau khi được đưa vào buồng tử cung, thất bại làm tổ của phôi vào niêm mạc tử cung,…
Thụ tinh nhân tạo là gì?
Thụ tinh nhân tạo thường được thực hiện bằng cách bơm tinh trùng người chồng vào buồng tử cung người vợ. Kỹ thuật này đơn giản hơn nhiều so với TTTON. Nó thường được chỉ định trong các trường hợp người vợ có ống dẫn trứng còn thông, tinh trùng chồng có chất lượng bình thường hay hơi yếu, vô sinh do rối loạn phóng noãn, vô sinh không rõ nguyên nhân, người vợ không quá lớn tuổi, thời gian vô sinh không lâu. Tỉ lệ thành công của kỹ thuật này thấp hơn TTTON. Nhìn chung, tỉ lệ có thai sau bơm tinh trùng vào buồng tử cung vào khoảng 10-15%.
Bị quai bị có dẫn đến hiếm muộn không?
Nam giới trong độ tuổi sinh sản bị quai bị có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn làm teo các ống sinh tinh, không còn sinh tinh trùng nữa. Số lượng tinh trùng giảm dần theo thời gian. Để duy trì khả năng sinh sản cho nam giới khi mắc bệnh này, ngay sau đợt cấp điều trị bệnh quai bị, các bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa điều trị hiếm muộn để được tư vấn thêm, nếu cần thiết có thể lưu giữ tinh trùng bằng cách trữ lạnh để sử dụng sau này, khi họ lập gia đình và muốn có con.
Thuốc ức chế men thơm hóa có thể điều trị được hiếm muộn không?
Chất ức chế men thơm hóa (Aromatase inhibitor) được sử dụng trong điều trị vô sinh như là một thuốc kích thích buồng trứng. Thuốc này khi sử dụng sẽ làm tăng FSH nội sinh của cơ thể, do đó, có tác dụng trong kích thích sự phát triển của các nang noãn buồng trứng. Vì là thuốc kích thích buồng trứng nên nó cũng có thể gây hội chứng quá kích buồng trứng như đã trình bày ở trên, tuy nhiên, nguy cơ quá kích buồng trứng thấp hơn rất nhiều so với sử dụng các thuốc dạng tiêm.
Đi xét nghiệm tinh dịch đồ thấy kết quả là không có tinh trùng? Có phương pháp nào để điều trị không?
Không có tinh trùng trong tinh dịch ở nam giới có thể do 2 nhóm nguyên nhân chính sau đây:
  • Không có tinh trùng do tắc nghẽn (obstructive azoospermia): trong nhóm này, có hiện tượng sinh tinh trùng trong tinh hoàn, tinh trùng ứ đọng trong mào tinh hoàn nhưng không có đường dẫn tinh bẩm sinh hay đường dẫn tinh bị tắc nghẽn do viêm nhiễm, chấn thương, thắt ống dẫn tinh,…
  • Không có tinh trùng không do tắc nghẽn (non-obstructive azoospermia): trong nhóm này, hoàn toàn không có hiện tượng sinh tinh trùng trong tinh hoàn hay sinh tinh bị giảm trầm trọng, thường có thể do các bất thường về nội tiết, bị quai bị, hội chứng tinh hoàn không có tế bào mầm,…
Điều trị:
  • Với nhóm nguyên nhân 1, hiện nay, chúng ta đã điều trị khá thành công bằng các phương pháp lấy tinh trùng qua phẫu thuật và thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương trứng để tạo phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung. Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp với các bác sĩ phòng khám nam khoa của bệnh viện Bình Dân để bắt đầu thực hiện các kỹ thuật này từ năm 2002, đến nay, chúng tôi đã điều trị cho khoảng 400 trường hợp với tỉ lệ có thai rất khả quan, khoảng 45%.
  • Với nhóm nguyên nhân 2, nếu còn có hiện tượng sinh tinh yếu trong tinh hoàn, chúng ta có thể sinh thiết tinh hoàn để lấy tinh trùng và thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương trứng như trên. Nếu hoàn toàn không có sinh tinh, người vợ có thể được điều trị với tinh trùng người cho từ ngân hàng tinh trùng.
Dùng thuốc kích thích buồng trứng nhiều có gây ung thư buồng trứng không?
Cho đến hiện nay, y học chứng cứ không thấy có nguy cơ tăng ung thư buồng trứng ở những người được kích thích buồng trứng. Ngược lại, những người vô sinh không điều trị, không có hiện tượng rụng trứng kéo dài lại có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú. Các vấn đề này vẫn còn đang được nghiên cứu sâu rộng thêm.
Nên ăn uống như thế nào để không bị hiếm muộn?
Vấn đề thức ăn và điều trị hiếm muộn chưa có cơ sở khoa học rõ ràng. Các thói quen sống lành mạnh, điều độ ở cả người vợ và chồng sẽ giúp duy trì và cải thiện khả năng sinh sản.
Phụ nữ lớn tuổi đi điều trị hiếm muộn khả năng thành công có cao không?
Tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của điều trị hiếm muộn. Ở người phụ nữ lớn tuổi, dự trữ các nang noãn ở buồng trứng giảm cả về số lượng và chất lượng. Người phụ nữ lớn tuổi thường có tỉ lệ thụ thai thấp mà tỉ lệ sẩy thai lại cao, do đó, điều trị hiếm muộn cho phụ nữ lớn tuổi bao giờ cũng là một khó khăn cho các bác sĩ điều trị.
Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng người cho là một biện pháp hiệu quả trong điều trị hiếm muộn cho những phụ nữ lớn tuổi, có dự trữ buồng trứng đã giảm. Hiện nay, theo qui định, có thể điều trị hiếm muộn cho phụ nữ không quá 45 tuổi.


Liên hệ: 
Lê Thuận – Nhân viên tư vấn 24/24
Tel: (84 8)66 812 591 
Mobile: 0938.994.298
Email : p8@piyavate.com.vn
YM : bvpiyavate2@yahoo.com
Skype: bvpiyavate2

Địa điểm:
 VP ại TP Hồ Chí Minh  : Số 2 Thi Sách,    Phường Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84 8)66 812 591
VP tại Hà Nội :  33A Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm
Tel: 093 77 66 056
  Website :  piyavate.com.vn

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Điều trị vô sinh hiếm muộn

Khám và chẩn đoán hiếm muộn


Bạn nên biết hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tỉ lệ hiếm muộn nguyên nhân do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo nhiều số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ chiếm 30-40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân .

Hiếm muộn là gì ?
Hiếm muộn được định nghĩa là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không ngừa thai. Người càng lớn tuổi, đặc biệt sau 35 tuổi, khả năng có thai sẽ giảm. Hiện nay người ta có khuynh hướng rút ngắn thời gian chẩn đoán hiếm muộn xuống 6 tháng (thay vì 1 năm) cho những cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 35 tuổi). Do đó, bạn nên đi điều trị sớm nếu có vấn đề về hiếm muộn .

Tỉ lệ hiếm muộn là bao nhiêu ?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 8-10% cặp vợ chồng có vấn đề liên quan đến hiếm muộn. Tuy nhiên, tỉ lệ hiếm muộn ở một số quốc gia có thể cao hơn do hoàn cảnh và tập quán sinh sống. Ví dụ ở Pháp, một nghiên cứu ước tính có khoảng 18% sồ cặp vợ chồng trong tuổi sinh sảncó vấn đề hiếm muộn.Ở nước ta, theo số liệu điều tra dân số tư những năm 80, tỉ lệ hiếm muộn có thể trên 10%.

Hiếm muộn là bệnh của vợ hay chồng ?
Bạn nên biết hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tỉ lệ hiếm muộn nguyên nhân do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo nhiều số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ chiếm 30-40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân .

Các nguyên nhân gây hiếm muộn – vô sinh thường gặp ?
  • Đối với người vợ thường có các nguyên nhân sau
    -Tổn thương vòi trứng
    -Không có hiện tượng rụng trứng hay rụng trứng không thường xuyên .
    -Lạc nội mạc tử cung
  • Đối với người chồng
    -Thường gặp nhất là bất thường về số lượngvà chất lượng tinh trùng, chiếm đến 90% trường hợp hiếm muộn do nam giới .
Xét nghiệm thường thực hiện khi khám va điều trị hiếm muộn?
Người vợ thường được thực hiện các xét nghiệm sau
- Siêu âm
- Xét nghiệm định lượng nội tiết: tuỳ từng xét nghiệm, phải được làm theo đúng ngày nhất định trong chu kỳ kinh .
- Chụp X quang tử cung- vòi trứng (HSG): thường thực hiện sau khi sạch kinh
- Nội soi chẩn đoán.
Hầu hết tất cảû người chồng đến khám hiếm muộn đều phải được thử tinh dịch đồ (phân tích tinh dịch). Đây là xét nghiệm cơ bản và cần thiết để chấn đoán và điều trị cho dù nguyên nhân hiếm muộn là do chồng hay vợ.

Chụp X quang buồng tử cung và vòi trứng (HSG) là gì ?

Đây là xét nghiệm đánh giá hai vòi trứng của người vợ có thông hay không và phát hiện những bất thường khác ở tử cung. HSG thường được thực hiện sau khi sạch kinh hoàn toàn khoảng 2 ngày. khi thực hiên, một thuốc cản quang sẽ được bơm vào buồng tử cung và vòi trứng, nếu vòi trứng thông thuốc sẽ chảy ra ngoài ổ bụngvà được phát hiện khi xem phim chụp X-quang. Tuy nhiên, trong trường hợp có nghi ngờ tổn thương vòi trứng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện mổ nội soi để chấn đoán tổn thương hoặc thông vòi trứng.

Mổ nội soi ?
Trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, bác sĩ thường cho chỉ định bạn thực hiện mổ nội soi khi nghi ngờ có tổn thương ở vòi trứng do nhiều bệnh lý khác nhau. Mổ nội soi thường một cuộc mổ nhẹ, thời gian hồi phục nhanh, có thể xuất viện khoảng 2 ngày sau mổ. Sau khi mổ chỉ để lại vài vết sẹo nhỏ khoảng 1cm trên bụng .Trước khi mổ, bạn cần làm một số xét nghiệm để hội chuẩn và hồ sơ nhập viện.
Mổ nội soi giúp cho bác sĩ biết rõ tổn thương của buồng tử cung, vòi trứng, buồng trứng và các tổn thương khác nếu có. Mổ nội soi có thể giúp phục hồi lại chức năngvòi trứngvà điều trị một số bệnh lý khác của tử cung, vòi trứng và vùng chậu .

Tinh dịch đồ ?
Tinh dịch đồ (còn gọi là phân tích tinh dịch) là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán khả năng sinh sản của nam giới. Tinh dịch đồ cho biết được số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch, đồng thời nó có thể chẩn đoán được nguyên nhân của các bất thường về tinh trùng. Hầu hết các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn đều cần phải thực hiện tinh dịch đồ.
Tinh dịch được lấy làm xét nghiệm sau 3-5 ngày kiêng giao hợp. Phải lấy tinh dịch bằng tay (như thủ dâm) mới đảm bảo được kết quả chính xác. Nếu lấy mẫu ở nhà phải đem đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau. Mẫu phải được chứa vào hũ vô trùng và được giữ ấm(<40oC) trước khi thực hiện xét nghiệm.

Liên hệ: 
Lê Thuận – Nhân viên tư vấn 24/24
Mobile: 0938.994.298/ 093.77.66.056
Email : p8@piyavate.com.vn
YM : bvpiyavate2@yahoo.com
Skype: bvpiyavate2

Địa điểm:
 VP ại TP Hồ Chí Minh  : Số 2 Thi Sách,    Phường Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84 8)66 812 591
VP tại Hà Nội :  33A Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm
Tel: (84 8)66 812 591
  Website :  piyavate.com.vn

Chăm sóc thai kỳ ở thai phụ sau khi làm IVF

Chăm sóc thai kỳ ở thai phụ sau khi làm IVF

Trong suốt cuộc đời, không có người phụ nữ nào không 1 lần mong muốn được làm mẹ. Khi biết có 1 mầm sống đang dần dần tượng hình trong cơ thể, ai ai cũng muốn mình sẽ sinh ra một đứa con khỏe mạnh, thông minh và có ích cho xã hội sau này. Để làm được điều đó, người mẹ cần theo dõi thai kỳ bằng chương trình khám và theo dõi thai. Đối với các trường hợp có thai sau khi điều trị IVF, việc khám thai và theo dõi sát thai kỳ càng trở nên cần thiết để đảm bào phát hiện và can thiệp kịp thời các bất thường trong thai kỳ.


1/ Khám thai định kỳ
Nhằm theo dõi sự phát triển, phát hiện những bất thường của thai, những thay đổi của mẹ: cân nặng, ăn uống, nám mặt sạm da… hay tình trạng bệnh lý của mẹ: cao huyết áp do thai, bệnh tim mạch…
Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gọi là 1 tam cá nguyệt tương ứng với 13 tuần:
  • Tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu): từ khi mang thai đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi.
  • Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): là giai đoạn tăng trưởng, nếu thai chậm phát triển xảy ra trong thời kỳ này thì thường rất nặng.
  • Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): là giai đoạn tăng trọng, thường xuất hiện những biến chứng của thai kỳ như cao huyết áp do thai, tiền sản giật, chảy máu âm đạo do nhau tiền đạo…


2/ Lịch khám thai: tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng tam cá nguyệt.
  • Lần khám thai đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh. Nhất là những người đã từng bị sảy thai trước đó. Đây là lần khám thai rất quan trọng vì chủ yếu tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai.
Sau đó:
  • Khám thai mỗi 4 tuần cho đến khi được 28 tuần
  • Khám thai mỗi 2 tuần khi thai từ 28 đến 36 tuần tuổi
  • Từ tuần thứ 36 trở đi, cứ một tuần một lần cho đến khi sanh.
Tuy nhiên, những thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sanh non, thai suy dinh dưỡng, ối ít, mẹ có bệnh lý… sẽ có lịch khám thai tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Lưu ý: Chích ngừa uốn ván rốn (VAT) đủ 2 mũi để phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh, mỗi mũi tiêm ngừa cách nhau 1 tháng. 


3/ Các xét nghiệm cần thiết & theo dõi cử động thai
  • Nhóm máu, Hemoglobin, ... xác định tình trạng thiếu máu thiếu sắt
  • Đường trong máu, AFP
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: viêm gan siêu vi B (HbsAg), giang mai (BW), HIV, lậu…

4/ Theo dõi cử động thai
  • Mỗi ngày đếm số cử động thai nhi sau các bữa ăn trong 30 phút (3 lần/ngày)
  • Khi thai nhi ngủ thường không có cử động thai. Thời gian ngủ của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.



5/ Sinh hoạt hàng ngày
Thai nghén không làm cho người phụ nữ từ bỏ tất cả họat động bình thường hàng ngày. Khi mang thai, người phụ nữ vẫn có thể đi làm, tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ. Riêng các trường hợp dọa sẩy thai và những thai phụ có tiền căn sẩy thai liên tiếp, thai phụ nên nghỉ ngơi tuyệt đối và có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong ba tháng đầu và sau tháng thứ 8, tránh quan hệ vợ chồng hay đi xa, đề phòng sảy thai hay chuyển dạ sanh bất ngờ.

6/ Vệ sinh cá nhân
  • Mặc quần áo rộng rãi, tắm rửa mỗi ngày, tránh thụt rửa âm đạo
  • Đánh răng kỹ mỗi ngày, nên đến nha sĩ khám định kỳ từ tháng thứ 5 của thai kỳ để tránh tình trạng sâu răng sau khi mang thai.
  • Tránh để táo bón bằng cách ăn nhiều trái cây, rau, uống nhiều nước và tập thể dục buổi sáng. Không nên uống thuốc sổ vì sẽ bị lệ thuộc thuốc khiến táo bón trầm trọng hơn.



7/ Dinh dưỡng
  • Khi mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng vì thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, trẻ giảm phát triển trí tuệ và các bộ phận khác, có thể sanh non hay sanh khó.
  • Trung bình một bà mẹ sẽ tăng 12,5 kg trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Muốn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, các bà mẹ cần cân đối các bữa ăn, nên ăn các lọai thực phẩm tươi sống và bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu. Nên uống từ 2 – 2,5l nước/ngày.
  • Chất đạm: chứa các acid amin cần thiết cho cơ thể. Chất đạm có được từ: thịt, cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, tàu hủ, đậu nành, ngũ cốc, …
  • Chất đường: cung cấp năng lượng cho mẹ và thai nhi. Khi mang thai, sản phụ cần 2300 – 2700 calories/ ngày. Chất đường có trong trái cây, cà rốt, sữa, mật ong, ngũ cốc, …
  • Chất béo: giúp cho sự phát triển của tế bào não hay cung cấp năng lượng. Ngòai ra, chất béo còn giúp cơ thể hấp thu một số lọai vitamin được dễ dàng: Vitamin A,D, E và K. Nên ăn mỡ thực vật (dầu ăn), không nên ăn mỡ động vật.
  • Muối khoáng: hai chất quan trọng nhất là can xi và sắt. Can xi có nhiều trong sữa, tôm, cua, trứng… Sắt có nhiều trong thịt bò, rau dền đỏ, cải xà lách xoong
  • Các vitamine A, B, C, D, E… có trong thức ăn tươi như rau, trái cây...có thể uống thêm 1 viên đa sinh tố.
  • Không ăn quá mặn hay quá nhạt.

8/ Lưu ý dùng thuốc trong thai kỳ:
Dùng thuốc trong khi mang thai phải hết sức cẩn trọng, chỉ dùng khi thật cần thiết và theo đúng y lệnh của bác sĩ. Như vậy, sự hiểu biết về các kiến thức cần thiết trong thai kỳ giúp người mẹ tự tin và có thể tự mình chăm sóc cho bản thân cũng như có được một đứa con chào đời thông minh, khỏe mạnh.



Liên hệ: 
Lê Thuận – Nhân viên tư vấn 24/24
Mobile: 0938.994.298/ 093.77.66.056
Email : p8@piyavate.com.vn
YM : bvpiyavate2@yahoo.com
Skype: bvpiyavate2

Địa điểm:
 VP ại TP Hồ Chí Minh  : Số 2 Thi Sách,    Phường Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84 8)66 812 591
VP tại Hà Nội :  33A Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm
Tel: (84 8)66 812 591
  Website :  piyavate.com.vn

Sinh con theo ý muốn

KỸ THUẬT NUÔI TRƯỞNG THÀNH TRỨNG TRONG ỐNG NGHIỆM (IVM) TRONG ĐIỀU TRỊ VÔ SINH HIẾM MUỘN

1/ IVM là gì ?

IVM (In vitro maturation) là kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng trong ống nghiệm. Kỹ thuật này được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2006.
Trong kỹ thuật này, trứng được chọc hút từ các nang nhỏ, sau đó được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt đến giai đoạn trưởng thành. Các giai đoạn sau đó như tiêm tinh trùng vào trứng, nuôi và cấy phôi được thực hiện như một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiện (TTTON) bình thường.

Về cơ bản IVM vẫn là một hình thức của kỹ thuật TTTON, nhưng với kỹ thuật này, bệnh nhân không cần phải thực hiện kích thích buồng trứng như phác đồ TTTON cổ điển. Việt nam hiện là một trong những nước đi đầu thế giới về kỹ thuật IVM. Ở Việt nam cho đến nay ước tính đã có trên 100 em bé ra đời từ kỹ thuật IVM.

2/ Một số điều ưu điểm của IVM so với TTTON bình thường:
  • An toàn, không bị hội chứng quá kích buồng trứng: quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức với thuốc kích thích buồng trứng, có nhiều mức độ khác nhau, chi phí điều trị cao và nặng nhất có thể gây tử vong. Kỹ thuật IVM  không cần kích thích buồng trứng hay kích thich nhẹ nên bệnh nhân không bị quá kích buồng trứng.
  • Chi phí thấp hơn do tiêm ít thuốc và thời gian tiêm thuốc ngắn hơn: thời gian tiêm thuốc trong TTTON bình thường kéo dài 2-4 tuần để nang trứng phát triển, sau đó mới chọc hút trứng trưởng thành. IVM không cần kích thích buồng trứng hay chỉ cần kích thích nhẹ, liều thuốc thấp và thời gian tiêm thuốc ngắn.
  • Thuận tiện hơn do thời gian điều trị ngắn, bệnh nhân không phải đi lại khám và theo dõi nhiều lần như phác đồ TTTON cổ điển.

Chính vì những ưu điểm trên nên IVM có thể được xem là kỹ thuật “thân thiện” với bệnh nhân và có thể thay thế TTTON thông thường trong nhiều trường hợp.

3/ Hiệu quả của kỹ thuật IVM ?  


Bệnh nhân thường băn khoăn “khi nào thì làm IVM hay TTTON thông thường?”. Thực tế, kỹ thuật IVM có thể áp dụng nhiều chỉ định khác nhau. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân có tỷ lệ thành công cao và thích hợp làm IVM là những bệnh nhân nguy cơ bị hội chứng quá kích buồng trứng khi kích thích buồng trứng để thực hiện TTTON, đặc biệt bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ở những bệnh nhân này, buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ và khi tiêm thuốc kích thích trứng, các nang có khuynh hướng phát triển cùng lúc và gây hội chứng quá kích buồng trứng.

Theo kết quả của các nghiên cứu trên thế giới cho đến thời điểm hiện nay, trẻ sinh ra từ kỹ thuật IVM phát triển thể chất, tâm thần và vận động không khác biệt so với những trẻ sinh ra từ TTTON thông thường hay những trẻ sinh tự nhiên. Tuy nhiên, tỉ lệ làm tổ của phôi trong kỹ thuật IVM có thể thấp hơn, do đó, đa số trường hợp phải chuyển nhiều phôi vào tử cung hơn thông thường. Theo phác đồ của chúng tôi hiện nay, số phôi cấy trung bình vào buồng tử cung là từ 3-4 phôi..

Kỹ thuật IVM được xem là một tiến bộ lớn trong điều trị hiếm muộn – vô sinh. Với kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được điều trị an toàn hơn, với chi phí thấp hơn, và thuận tiện hơn. Hiện nay, IVM bắt đầu được mở rộng ra các chỉ định khác để có thêm nhiều sự lựa chọn trong điều trị, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.


Liên hệ: 
Lê Thuận – Nhân viên tư vấn 24/24
Mobile: 0938.994.298/ 093.77.66.056
Email : p8@piyavate.com.vn
YM : bvpiyavate2@yahoo.com
Skype: bvpiyavate2

Địa điểm:
 VP ại TP Hồ Chí Minh  : Số 2 Thi Sách,    Phường Bến Nghé, Quận 1
Tel: (84 8)66 812 591
VP tại Hà Nội :  33A Phạm Ngũ Lão, Quận Hoàn Kiếm
Tel: (84 8)66 812 591
  Website :  piyavate.com.vn